Motion graphics và Animation, đâu là sự khác biệt?
- 09/05/2020
- 1,018
Khi bắt tay vào việc sản xuất video cho doanh nghiệp, chắc hẳn bạn sẽ đặt ra cho mình câu hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa animation và motion graphics?
MỤC LỤC NỘI DUNG
Motion graphics là một dạng của animation. Trong khi motion graphics mô tả sự chuyển động hay thiết kế đồ họa hoạt hình thì animation là một khái niệm bao trùm tất cả các lĩnh vực của hình ảnh chuyển động. Nó gói gọn mọi thứ từ hoạt hình (cartoon) cho đến claymation (một loại animation, trong đó các mẫu hình đất sét được quay phim bằng kỹ thuật stop-motion). Motion graphics chú tâm đến việc đem chuyển động đến các yếu tố đồ họa (graphic elements) và thường ít để tâm đến khía cạnh kể chuyện hơn là những dạng khác của animation.
Thông thường thì các khái niệm có thể hoán đổi lẫn nhau và sự phân biệt thì không phải lúc nào cũng rõ ràng như trắng với đen.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ định nghĩa về motion graphics và tìm hiểu xem nó khác biệt như thế nào so với những thể loại khác của animation.
Motion graphics là gì?
Motion graphics là loại hình đồ họa mang đến sự chuyển động cho các thiết kế tĩnh mà không cần tuân theo một lối dẫn truyện cụ thể nào.
Bạn cần các cột biểu đồ nhún nhảy lên xuống cho thêm phần bắt mắt và thú vị?
Hay bạn muốn chiếc logo trên website xoay vòng vòng cuốn hút? Câu trả lời là motion graphics.
Bạn muốn những nhân vật trở nên sống động để mang câu chuyện cổ tích đến gần hơn với hiện thực? Cái này thì không phải motion graphics, mà là một dạng hoàn toàn khác của animation.
Thế thì việc có hay không một “câu chuyện” được kể chính là nhân tố phân loại quan trọng trong việc xác định bạn đang làm việc với motion graphics hay animation. Motion graphics animation luôn luôn có sự kết hợp của các shape (hình khối), object (đối tượng) hoặc text (chữ), những thứ được sắp đặt trong chuyển động.
Tại sao chúng ta lại bận tâm đến motion graphics, thay vì dùng infographic, một loại dưới dạng tĩnh và tiết kiệm chi phí hơn?
Motion graphics có thể minh họa những ý tưởng phức tạp một cách trực quan hơn. Hãy nghĩ motion graphics giống như một sự hỗ trợ về mặt hình ảnh. Một vài ý tưởng (đặc biệt là những thứ rộng lớn và trừu tượng) thường khó để giải thích thông qua từ ngữ hoặc hình ảnh hơn thuần. Một vài giây với motion graphics có thể làm sáng tỏ mọi thứ hoàn hảo hơn. Hãy nghĩ về cách mà ô nhập mật khẩu thỉnh thoảng rung nhẹ lên hoặc chuyển thành màu đỏ khi bạn nhập sai, điều đó báo hiệu rằng bạn cần phải thử lại.
Sự nổi trội về hình ảnh của motion graphics gây chú ý tới một lượng lớn người xem. Cartoon có vẻ quá trẻ con đối với một doanh nghiệp thông thường. Nhưng motion graphics có thể sử dụng phong cách đáng yêu và vui nhộn đó để áp dụng vào nhiều chủ đề nghiêm túc hơn. Không quan trọng là bạn thuộc lĩnh vực gì, hình ảnh của motion graphics chắc chắn sẽ biến thông điệp của bạn trở nên lôi cuốn và thú vị hơn.
Animation là gì?
Animation là một khái niệm rộng lớn hơn, bao hàm cả motion graphics. Lịch sử phát triển của animation đã kéo dài khoảng hơn một thế kỷ.
Bất kì một kỹ thuật nào có thể làm những vật thể tĩnh hay hình ảnh chuyển động được thì đó là animation – dù nó là hoạt hình vẽ tay, CGI, anime, claymation hay motion graphics. Những thể loại này thường kết hợp lại với nhau. Hầu hết motion graphics được làm bởi CGI, nhưng về mặt lý thuyết, bạn cũng có thể tạo motion graphics bằng tay.
Yếu tố phân tách motion graphics với những thể loại khác của animation (ít nhất là trong khái niệm video marketing) chính là nội dung. Motion graphics thông thường liên quan đến việc sắp xếp các đối tượng trừu tượng, chữ và các công cụ thiết kế khác trong một chuyển động. Còn việc biểu diễn đồ thị, infographic hay thiết kế web đến gần hơn với cuộc sống thông qua những chuyển động sẽ là cách gọi bao quát hơn của “animation.” Nhưng nếu muốn nhắc cụ thể hơn thì nó là một dạng của animation với tên gọi motion graphics.
Ở phương diện ngược lại, animation giống như một dạng nghệ thuật riêng biệt. Nó chú trọng nhiều hơn vào kỹ xảo điện ảnh và kỹ thuật kể chuyện để “nhào nặn” nên một thông điệp.
Ví dụ trong trường hợp video của bạn tạo đồ họa cho chuyển động để minh họa một điểm thì nó sẽ được gọi là motion graphics. Còn nếu trong video có sự kết hợp của một nhân vật mang tính cách con người, với những cung bậc cảm xúc riêng, thì nó sẽ nghiêng về animation nhiều hơn.
Vậy khi nào chúng ta nên sử dụng khái niệm animation và motion graphics?
Animation được dùng để kể những câu chuyện. Những ai từng xem phim của Pixar đều nhận thức được animation có thể trở thành một phương tiện truyền tải câu chuyện vô cùng mạnh mẽ. Motion graphics có khả năng biểu diễn các số liệu thống kê một cách linh hoạt nhưng animation còn mang được cả những nhân vật với câu chuyện cảm xúc, sự sáng tạo và cách thể hiện đậm tính nghệ thuật đến gần hơn với chúng ta.
Animation có chi phí đắt đỏ hơn nhiều. Việc sản xuất motion graphics thường khá dễ dàng. Nó được coi như một dạng ít phức tạp hơn của animation. Nhưng khi bạn nhìn vào CGI, những tác phẩm vẽ tay hoặc kỹ thuật stop-motion thì nó lại đòi hỏi một khoản đầu tư tốn kém hơn nhiều.
Motion graphics và animation được sử dụng trong những trường hợp nào?
Sự thật là ngày nay người ta yêu thích video nhiều hơn. Bất kể là khi bạn lựa chọn motion graphics hay các thể loại khác nhau của animation, video nói chung thường mang đến sự tương tác (engagement), lượng truy cập (traffic) và con số chuyển đổi (conversion) lớn hơn nhiều.
Video là loại nội dung được yêu thích hàng đầu từ các nhãn hàng với 93% những người làm digital marketing cho biết các video mạng xã hội đã giúp họ “thu phục” được một lượng khách hàng mới. Hơn nửa số lượng người dùng có cảm tình với một nhãn hàng sau khi xem các video của họ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, cái bạn cần không chỉ là một video tùy hứng. Bạn muốn một thứ mà có thể kết nối hoàn hảo với thương hiệu cũng như mục tiêu kinh doanh của mình. Vậy thì bạn nên sử dụng motion graphics hay animation?
Khi nào nên sử dụng motion graphics
Motion graphics là lựa chọn số một cho việc phác họa tổng thể hay nhấn mạnh những sự kiện, đồng thời giúp minh họa ý nghĩa mà bạn đang cố gắng mang đến. Motion graphics thường được sử dụng khi không cần đến những câu chuyện hay lời tường thuật.
Những video motion graphics giúp “tháo dỡ” những sản phẩm hay dịch vụ mang tính phức tạp, đồng thời giới thiệu nó theo một cách đáng nhớ hơn.
Hãy nhớ rằng motion graphics là công cụ hỗ trợ trực quan cốt lõi để làm những thứ trên, vậy nên nó vượt trội hơn hẳn trong việc truyền đạt những ý tưởng “khó nhằn” thông qua hình ảnh.
Khi nào nên sử dụng các kỹ thuật Animation khác?
Animated design bởi fatchvrdsgn
Nếu bạn muốn nhấn mạnh những khía cạnh cảm xúc của câu chuyện, mang đến một bài tường thuật hay kết nối với khách hàng ở một mức độ cảm xúc nhất định thì bạn nên hướng đến những thể loại khác của animation.
Những câu chuyện giúp tạo lập một sự kết nối sâu sắc hơn giữa bạn và khách hàng mục tiêu. Và các dạng khác của animation thì phù hợp hơn để sáng tạo nên những thể loại khác nhau của câu chuyện tường thuật.
Sử dụng motion như là công cụ truyền thông
Mỗi khi bàn đến motion graphics và các dạng khác nhau của animation, hãy nhớ rằng có hàng tá sự trùng lặp giữa chúng và thỉnh thoảng mọi thứ trở nên khó khăn khi bạn cố gắng phân biệt.
Tuy vậy, bất kể là việc sử dụng loại video nào thì bạn cũng đang trên con đường hấp dẫn hóa nội dung cho khách hàng của mình.