Design và Makerting: Mối lương duyên tiền định

  • 19/01/2020
  • 473

Bài viết tập trung vào mối liên kết chặt chẽ giữa thiết kế và marketing, cũng như việc thiết lập đối tượng mục tiêu và phân tích để thiết kế phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

Design và Makerting: Mối lương duyên tiền định

MỤC LỤC NỘI DUNG

 

Kinh doanh thành công không bao giờ là một điều đơn giản: đó là cơ chế phức tạp và để làm cho nó hoạt động, chúng ta phải biết các yếu tố ảnh hưởng và phương pháp kết hợp hiệu quả. Thiết kế chắc chắn là một trong những yếu tố then chốt có thể tác động lớn đến lợi nhuận và tăng trưởng. Hơn nữa, thiết kế không chỉ tạo giao diện đẹp mặt mà còn ảnh hưởng đến chức năng và tiện ích. Vì vậy, hôm nay chúng ta cùng tiếp tục nghiên cứu về sự tác động của thiết kế đến mục tiêu kinh doanh, cũng như hiểu rõ hơn về bản chất của việc thiết lập và khám phá mục tiêu của sản phẩm và ảnh hưởng qua lại giữa thiết kế và marketing.

 


1. Marketing

 


“Marketing là một cuộc đấu để giành sự chú ý của mọi người” – Seth Godin


Định nghĩa

Nói chung, marketing là tập hợp các nghiên cứu và phương pháp dành cho việc quản lý quan hệ trao đổi. Về cơ bản, marketing bao gồm nhiều quá trình với mục đích là kết nối sản phẩm với khách hàng. Nó có thể liên quan đến sự đa dạng của các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi, nghiên cứu thị trường và khách hàng, tổ chức bán hàng, giao tiếp trực tiếp và gián tiếp với đối tượng mục tiêu. Xét về sự cạnh tranh ở hầu hết các thị trường hiện nay, marketing là chiến lược để đạt được sự chú ý của người dùng và khách hàng.

Khía cạnh thiết kế

Thiết kế và marketing luôn hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều thập kỷ qua, vì vậy sự kết nối thường có hai hướng cơ bản.

  • Hướng từ marketing đến thiết kế

Phương pháp này nghĩa là các kỹ thuật marketing được đưa vào quá trình thiết kế từ giai đoạn đầu của việc tạo hoặc cập nhật sản phẩm. Khi chiến lược marketing được nghĩ ra từ giai đoạn hình thành sản phẩm sẽ giúp cho thiết kế trở nên có ý nghĩa hơn: nhà thiết kế không chỉ tạo ra sản phẩm giải quyết vấn đề của người dùng hoặc đáp ứng nhu cầu, mà còn tìm ra các hướng và cách làm thế nào để sản phẩm được khách hàng chú ý, làm thế nào để trở nên thú vị cho người dùng mục tiêu và cách nào để thể hiện lợi ích một cách hiệu quả.

Khi hiểu rõ những điều này, các nhà thiết kế có thể lựa chọn UX và UI thích hợp với các tính năng đó. Mỗi yếu tố hoặc khía cạnh nhỏ như màu sắc, hình dạng của button, font chữ và khoảng trắng giữa các thành phần trên trang hoặc màn hình, khi được thiết kế đúng cách và áp dụng khéo léo sẽ mang lại tác động rất lớn đến sự thành công của sản phẩm và khả năng hoàn thành các mục tiêu kinh doanh.

 

Vinny’s Bakery

 

Hơn nữa, phải nói rằng: sản phẩm thân thiện với người dùng là chiến lược marketing tốt nhất. Đó là lý do tại sao thiết kế đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra các tính năng và khả năng thu hút người dùng, khơi dậy mong muốn sử dụng và làm cho sản phẩm hữu ích khiến người dùng yêu thích.

  • Hướng từ thiết kế đến marketing

Điều này có nghĩa là chính thiết kế sẽ trở thành một cách để trình bày sản phẩm hoặc thậm chí bản thân trên thị trường. Các giải pháp thiết kế được áp dụng để tạo nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp hoặc cá nhân. Thông qua đó thương hiệu trở thành nền tảng cho chiến lược marketing và thường bắt đầu từ thời điểm sản phẩm có dấu hiệu nhận biết như logo hoặc icon. Các nhà thiết kế tạo ra trực quan cho các chiến dịch quảng cáo từ poster, tờ rơi và brochure, đến các bộ nhận diện thương hiệu và không gian POS (điểm bán hàng). Bởi con người là những cá thể mang tính xã hội và thẩm mỹ, nên thiết kế sẽ chiếm một phần lớn trong bất kỳ thành công kinh doanh nào.

 

Business cards

 

Marketing là kết quả mà những người tạo ra sản phẩm và những người xây dựng cầu nối giữa sản phẩm và khách hàng nên đạt được để: cung cấp cho người dùng/khách hàng một thứ gì đó sẽ hữu ích và đáp ứng nhu cầu của họ. Và cũng không quên điều quan trọng là thiết lập nhóm và phân tích sở thích.


2. Khách hàng mục tiêu

 


“Bán hàng sẽ có những lúc bạn không thể làm mọi người hài lòng. Đừng hi vọng và bạn sẽ không thất vọng. Chỉ cần làm hết sức mình cho từng khách hàng và trong từng tình huống phát sinh. Sau đó, học hỏi từ mỗi tình huống để làm điều đó tốt hơn vào lần tới.” – Tom Hopkins


Định nghĩa

Thuật ngữ “đối tượng mục tiêu” xuất phát từ các lĩnh vực xuất bản, nghĩa là cuốn sách hoặc phiên bản nào đó được dành cho độc giả cụ thể, tiếp theo là nhóm khách hàng có khả năng quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Thuật ngữ này cũng nhanh chóng áp dụng cho các các sản phẩm kỹ thuật số như trang web hoặc ứng dụng, nó có nghĩa là đối tượng người dùng tiềm năng của ứng dụng hoặc trang web nào đó.

Chắc chắn, đối với nhiều nhà sáng tạo, ban đầu có thể khó tìm ra đối tượng mục tiêu: họ muốn sản phẩm này được mọi người sử dụng và yêu thích. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, chọn sai đối tượng mục tiêu có thể trở thành một hồi chuông báo tử cho sản phẩm. Chọn đối tượng mục tiêu cốt lõi và sau đó, nếu cần và có thể, mở rộng tính năng của sản phẩm để làm cho nó hấp dẫn và hữu ích hơn đối với nhóm người dùng khác. Đặt mức độ ưu tiên và tập trung vào chức năng chính sẽ dễ dàng và nhanh hơn là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người cùng một lúc.

 

 

Khía cạnh thiết kế

Trong một số hướng dẫn tạo ứng dụng di động, thì nghiên cứu người dùng và nghiên cứu thị trường rất nên được thực hiện khi bắt đầu quá trình sáng tạo, việc này nhằm cung cấp cho nhà thiết kế hoặc nhóm sáng tạo hiểu đối tượng mục tiêu của họ là gì:

  • Sở thích và mong muốn của họ là gì
  • Loại giao tiếp và lối sống nào thích hợp và phổ biến đối với họ
  • Họ có vấn đề gì và sản phẩm nào được thiết kế để giải quyết chúng
  • Môi trường điển hình khi họ sử dụng loại sản phẩm này là gì
  • Nơi họ có thể lấy thông tin về sản phẩm
  • Những gì có thể hấp dẫn khi họ dùng thử sản phẩm
  • Những gì có thể thu hút họ trở lại sản phẩm sau trải nghiệm đầu tiên
  • Những gì có thể liên quan đến họ trong việc sử dụng sản phẩm một cách thường xuyên
  • Những gì có thể làm cho sản phẩm này khác với các sản phẩm khác trên thị trường.

Joel Anderson cho biết, bạn không thể tạo một trang web và mong mọi người tự vào. Nếu bạn thực sự muốn thành công, bạn phải tạo ra lưu lượng truy cập. Thiết kế là một trong những phương pháp mạnh mẽ để làm điều đó, đặc biệt là trong trường hợp khi nó được tăng cường cùng với văn bản phù hợp và chọn lọc nội dung. Tạo đồ họa ấn tượng, hỗ trợ micro-interactions với chuyển động, nội dung rõ ràng, súc tích, cung cấp thông tin phù hợp, chọn font chữ có thể đọc được và kết hợp màu sắc đẹp, thiết lập landing page cho các mục đích cụ thể thay vì đưa người dùng đến hàng tấn thông tin trên trang chủ. Việc thu hút và tạo ra lưu lượng truy cập sẽ mang lại lợi nhuận và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.

 

Toonie Alarm

Upper App


3. Nhắm đến mục tiêu

 


Bạn không thể đợi khách hàng đến với mình. Bạn phải tìm ra vị trí của họ, đến đó và đưa họ trở lại cửa hàng của bạn – Paul Graham


Định nghĩa

Tóm lại, nhắm đến mục tiêu là một thuật ngữ khác trong marketing được áp dụng rộng rãi vào lĩnh vực thiết kế kỹ thuật số. Nó thường được kết hợp với chiến lược và kỹ thuật của đối tượng mục tiêu cụ thể, để tìm ra cách tốt và ngắn nhất nhằm thu hút sự chú ý của họ đến sản phẩm cụ thể.  


Khía cạnh thiết kế

Ví dụ rất đơn giản: khi bạn bắn mà không nhìn thấy mục tiêu của mình, cơ hội ghi điểm vẫn có nhưng rất mong manh. Nếu bạn nhìn thấy mục tiêu để bắn, cơ hội sẽ tăng lên. Bạn càng đến gần mục tiêu của mình, khả năng đạt được điểm càng cao. 

Ví dụ này chính xác trong cả marketing và thiết kế. Chọn người dùng tiềm năng của trang web hoặc ứng dụng để thiết kế và nghiên cứu dữ liệu cơ bản và mở rộng về nhóm người dùng này, các nhà thiết kế có thể tạo ra các giải pháp thân thiện cho người dùng ở một số yếu tố cụ thể. Dưới đây là những khía cạnh và yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình thiết lập mục tiêu.

  • Nhắm đến mục tiêu theo địa lý: Vị trí của người dùng rất quan trọng để thiết lập nền tảng văn hóa cũng như môi trường tự nhiên trong việc sử dụng sản phẩm. Điều này có nghĩa là ngay cả một số sản phẩm về hình ảnh, tính năng, hiệu suất hoạt động giống nhau nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu của người dùng ở các quốc gia hoặc khu vực cụ thể lại khác nhau.
  • Nhắm mục tiêu theo giới tính: Nếu bạn biết đối tượng mục tiêu của bạn chủ yếu là đàn ông hoặc phụ nữ, có thể sẽ tác động lớn đến các giải pháp thiết kế dựa trên sự khác biệt về tâm lý và nhận thức. Ngay cả một khía cạnh cơ bản như lựa chọn màu sắc cũng có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi giới tính của đối tượng mục tiêu cốt lõi. 
  • Nhắm mục tiêu tâm lý: Dựa trên kiến ​​thức về động cơ thúc đẩy người dùng thử nghiệm sản phẩm. Nó dựa trên kiến ​​thức sâu sắc về lối sống, sở thích, v.v.
  • Nhắm mục tiêu theo nhân khẩu học: Điều này cần người sáng tạo và nhà marketing tập trung vào việc thu hút sự chú ý và liên quan đến một nhóm nhân khẩu học cụ thể, ví dụ, dựa trên tuổi tác, dân tộc, thu nhập, trình độ, tình trạng hôn nhân, con cái, v.v.
  • Nhắm mục tiêu theo hành vi: Dựa trên việc xác định đối tượng mục tiêu theo các mô hình hành vi cụ thể, ví dụ: thanh niên thường xuyên ghé thăm các câu lạc bộ đêm hoặc những người mua cà phê và uống nó khi đang di chuyển…

 

 

Hiểu quy trình và phương pháp nhắm đến mục tiêu giúp các nhà thiết kế tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người dùng. Đó cũng là lý do tại sao bạn cần tận dụng mọi cơ hội để có được thông tin tối đa về người dùng tiềm năng và mục tiêu kinh doanh từ khách hàng. Một trong những phương pháp tốt là tạo người dùng điển hình, câu chuyện người dùng và trường hợp người dùng, các yếu tố này sẽ được chia sẻ chi tiết ở các bài viết sau. Mời bạn cùng theo dõi nhé!

Kinh doanh 1: 0946 268 630 Kinh doanh 2: 0976 337 424 Kinh doanh 3: 0976337424