10 điều tôi học được khi là một nhà thiết kế tại Google

  • 22/11/2019
  • 517

Google không được nổi tiếng về mặt thiết kế cách đây chục năm. Nhưng trong nhiều năm qua, thiết kế của họ có nhiều thay đổi.

10 điều tôi học được khi là một nhà thiết kế tại Google

MỤC LỤC NỘI DUNG

Tôi gia nhập Google vào năm ngoái, đúng dịp kỉ niệm 20 năm sinh nhật công ty. Tôi tò mò muốn xem thiết kế phát triển như thế nào đối với một công ty độc đáo như vậy.

Nhìn lại năm vừa qua, đây là 10 điều tôi học được và tôi hi vọng nó cũng giúp bạn ít nhiều trong hành trình xây dựng sự nghiệp thiết kế của bạn.

Tác giả: Kenny Chen


1. Thiết kế dành cho mọi người

 

 

Tập trung vào người dùng và những thứ khác sẽ theo sau. Ngay từ giai đoạn định hướng, người hướng dẫn đã giúp chúng tôi thấm nhuần việc tôn trọng người dùng. Với 9 sản phẩm có hơn 1 tỉ người dùng, việc thiết kế cho mọi người mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Những thay đổi thiết kế nhỏ nhất có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Tại các công ty của tôi trước đây, khả năng tiếp cận (accessibility) và tính quốc tế hóa (internationalization) luôn ở mức ưu tiên sau. Nhưng tại Google, các thiết kế luôn bao hàm tất cả và chúng tôi cần suy nghĩ về việc hỗ trợ hàng tỷ người dùng tiếp theo.

Tôi đã trở thành một nhà thiết kế tốt hơn thông qua cách tập trung vào cung cấp trải nghiệm tuyệt vời cho càng nhiều người càng tốt.


2. Gia tăng sự ảnh hưởng chứ không phải quyền lực

 

 

Trước khi vào Google, tôi đứng đầu nhóm thiết kế UX của một công ty đại chúng cỡ trung. Khi tôi gia nhập “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tìm kiếm, tôi có chức danh giống với hàng trăm nhà thiết kế khác và không có quản lý trực tiếp. Điều quan trọng là bạn không cần một chức danh hoặc phải quản lý một nhóm thì mới trở thành một trưởng nhóm thiết kế.

Google là một tổ chức dựa trên các mối quan hệ, nơi mà sự ảnh hưởng đóng vai trò cốt lõi. Xây dựng cách làm việc chặt chẽ với người quản lý sản phẩm (PM - Project Manager), người nghiên cứu trải nghiệm người dùng (UX Researcher), và các kĩ sư là một điều cần thiết. Điều này luôn đúng với mọi công ty tôi đã làm và đặc biệt là tại Google.

Làm thế nào để xây dựng sức ảnh hưởng? Bắt đầu xây dựng niềm tin bằng cách đặt câu hỏi, lắng nghe và quan tâm đến sở thích cá nhân. Một khi bạn đã có được sự tin tưởng của nhóm, hãy truyền cảm hứng cho những người khác về tầm nhìn của bạn, bằng cách cho mọi người thấy rằng tầm nhìn của bạn phù hợp với mục tiêu chung.


3. Nhận phản hồi sớm và thường xuyên

 

 

Cộng đồng thiết kế của Google rất lớn và mọi người đều luôn hỗ trợ lẫn nhau. Không có gì lạ khi bạn nhận được một lời nhắn trên lịch để hẹn gặp hoặc nhận lời khuyên. Bạn cũng có thể gặp một người đã từng gặp vấn đề tương tự bạn và hỏi cách giải quyết của họ trong quá khứ.

Là một người thiết kế mới trong nhóm, hãy tận dụng lợi thế “mới” để học hỏi qua cách đặt những câu hỏi. Bạn không thể biết hết mọi thứ. Có rất nhiều quyết định về quá trình thiết kế của sản phẩm mà nếu bạn chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng thì sẽ không thể nào hiểu rõ được. Đừng ngại bộc lộ những thiếu sót của bản thân để nhận được những phản hồi sớm nhất. Vào thời điểm tôi được tham gia nhận xét thiết kế, tôi đã có cơ hội để giải quyết những vấn đề còn khúc mắc cho người khác.


4. Để cái tôi sang một bên

 

 

Cái tôi tác động tới cách tạo ra thiết kế tốt. Trong suốt quá trình phỏng vấn, tôi đã hỏi những đặc điểm giúp các nhà thiết kế ở Google thành công. Điều mà nhiều lần tôi được nghe đến là việc bỏ qua cái tôi. Mặc dù tự tin một chút là tốt, nhưng đừng cố tỏ ra mình thông minh nhất ở mọi lúc. Nếu không biết cũng không phải điều gì quá to tát.

Ý tưởng tốt có thể đến từ bất kì ai. Đã có rất nhiều lần những đồng nghiệp ở bộ phận khác đề xuất giải pháp tốt để giải quyết vấn đề. Hãy cởi mở để cùng nhau hợp tác mang lại giải pháp tốt nhất cho người dùng. Khiêm tốn là một đức tính tốt, hãy cố gắng nhắc nhở bản thân vì bạn đang thiết kế và đồng cảm với người dùng chứ không phải cho bạn.


5. Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome) là có thật

 

Tìm hiểu rõ hơn về Hội chứng kẻ mạo danh qua bài viết này.

 

Luôn có một tiếng nói trong đầu bạn liên tục hỏi bạn nơi bạn thuộc về. Tại một công ty có quy mô lớn như Google, cảm giác đó nhân lên gấp bội. Tôi đã lo lắng rằng mình sẽ không thành công dù nhiều sản phẩm mà tôi thiết kế được mọi người yêu thích.

Tôi nhận ra mọi người đều trải qua Hội chứng kẻ mạo danh dưới nhiều hình thức khác nhau. Cho dù bạn có lượng kiến thức bao nhiêu, thì sẽ luôn có nhiều thứ để học. Tôi đã học được cách gạt bỏ cảm giác này. Bây giờ, khi tôi gặp những nghi ngờ bản thân dù là nhỏ nhất, tôi sẽ nhìn lại những gì mình đã cố gắng để có được trong năm vừa qua.


6. Đầu tư cho bản thân

 

“Đầu tư càng nhiều vào bản thân mình càng tốt, bạn là tài sản lớn nhất của chính mình cho đến thời điểm này”, Warren Buffet

Một điều mà tôi rất biết ơn Google là mang lại rất nhiều cơ hội học tập. Tôi đã tham gia các lớp học ở nhiều lĩnh vực, từ cách kể chuyện (storytelling) tới thiết kế chạy nước rút (design sprint). Mỗi năm một lần, Google có một hội nghị UX nội bộ. Các nhà thiết kế từ khắp nơi ở Google sẽ gặp gỡ trao đổi và tham gia các buổi hội thảo đầy cảm hứng.

Không chỉ học được từ những người khác, tôi đã bắt đầu thử chia sẻ nhiều hơn. Tôi nói chuyện về thiết kế, cố vấn cho người khác, dạy các khóa học. Để trở thành phiên bản tốt nhất của mình, bạn phải đối diện với những điều không thoải mái. Làm những điều khiến bạn cảm thấy lo sợ. Đó chính những điều giúp bạn phát triển.


7. Tập trung vào điểm mạnh của bạn

 

 

Làm thế nào để bạn trở nên nổi bật giữa các nhà thiết kế siêu tài năng trong công ty? Hãy phát triển và tối ưu thế mạnh của bạn. Sử dụng điểm mạnh của bạn giúp cho công việc hiệu quả và phát triển tốt hơn, đồng thời giúp duy trì hiệu suất làm việc cao nhất.

Trong thời gian xem xét hiệu suất làm việc, mọi người phải liệt kê một điều mà bạn làm tốt nhất. Một trong những thế mạnh của tôi là phân tích dữ liệu để tìm kiểu mẫu và sắp xếp các ý tưởng. Tôi cố gắng thu thập dữ liệu bất cứ khi nào tôi đưa ra quyết định thiết kế chính thức. Tôi đã học cách tập trung vào thế mạnh của mình và tìm kiếm cơ hội để sử dụng chúng trong sự nghiệp.


8. Con người cao hơn công nghệ

 

 

Làm việc ở Google giống như làm việc ở công ty khởi nghiệp được tài trợ vốn tốt. Mỗi nhóm có các quy trình và công cụ khác nhau. Những cuộc tranh luận về Sketch hay Figma rất thú vị, vì công cụ thay đổi theo thời gian. Công nghệ luôn thay đổi và mỗi năm lại có xu hướng thiết kế mới.

Chỉ có một thứ luôn bất biến là con người. Chúng ta thường nghĩ tất cả chúng ta là độc nhất nhưng thực tế cách con người suy nghĩ, cảm nhận và hành động đều có thể đoán trước được. Con người có những thói quen không dễ gì thay đổi nhanh được. Học cách làm việc với đồng nghiệp, hiểu động lực và mục đích của họ quan trọng hơn nhiều với việc học công cụ mới.


9. Hiểu việc kinh doanh

 

 

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã rất ngạc nhiên bởi có rất nhiều người không hiểu việc kinh doanh hoạt động ra sao. Mọi thứ về sản phẩm, người dùng, mục tiêu và cách kiếm tiền.

Là nhà thiết kế, đứng về phía người dùng vẫn là ưu tiên số một. Tuy nhiên hiểu biết việc kinh doanh khiến cho bạn dễ dàng thuyết phục các bộ phận khác hỗ trợ giải pháp của bạn.

Google nổi tiếng với OKR (objectives and key results - mục tiêu và kết quả chính). Khi trình bày các thiết kế, tôi đảm bảo rằng chúng phải theo sát vào mục tiêu công ty, nhóm hoặc sản phẩm. Kết nối kết quả thiết kế với chiến lược của công ty sẽ tăng cường tầm quan trọng của thiết kế


10. Hành trình khiến chúng ta trân trọng điểm đến

 

“Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần” - Ngạn ngữ Nhật Bản

Vào được Google như giấc mơ trở thành sự thực nhưng điều này không đến dễ dàng, thế nên tôi càng cảm thấy trân trọng. Trong suốt 7 năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ứng tuyển Google gần như mỗi năm và đều chỉ tới vòng phỏng vấn qua điện thoại. Vài năm sau, tôi đã vượt qua được lần gặp ban đầu. Tôi đã bay đến Googleplex để phỏng vấn nhưng tôi bị trượt.

Sau nhiều lần bị từ chối, tôi tiếp tục học nhiều thứ mới và tiếp tục công việc mà mình đã học. Một bạn tuyển dụng đã tiếp cận sau 5 năm và cũng với quy trình tương tự, cuối cùng tôi đã được nhận được lời đề nghị.

Hành trình của mỗi người là khác nhau và sẽ có những lúc thăng trầm. Nếu bạn được làm công việc mong muốn, bạn có thể cảm thấy hạnh phúc, nhưng hành trình trên con đường sự nghiệp không bao giờ kết thúc. Sẽ luôn có mục tiêu mới và ước mơ mới. Tôi đã học được rất nhiều trong cả sự nghiệp và năm vừa qua ở Google, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ để học. Tôi đang chờ xem chuyến xe của hành trình sẽ đưa tôi tới những chân trời nào khác.

Kinh doanh 1: 0946 268 630 Kinh doanh 2: 0976 337 424 Kinh doanh 3: 0976337424