‘Love It or Leave It’ - Làm thế nào để hạnh phúc với công việc của bạn?
- 12/07/2020
- 919
Cuốn sách mới của Samantha Clarke giúp bạn khám phá những cách giúp yêu thích công việc hiện tại hoặc rèn luyện các kỹ năng để luôn hạnh phúc khi làm việc.
MỤC LỤC NỘI DUNG
Ngày nay, hạnh phúc với công việc đã trở thành ‘tiêu chuẩn vàng’ khi lựa chọn nghề nghiệp. Trong guồng quay của cuộc sống, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho công việc, đồng thời phải tìm ra ý nghĩa khi hoàn thành chúng. Trong thời đại luôn có những chuyển biến như hiện nay, mọi người đang đánh giá lại các ưu tiên của họ để cân bằng giữa công việc – cuộc sống.
Chúng ta luôn mong mình phải chuyên nghiệp hơn và phù hợp với giá trị của bản thân. Đồng thời các việc làm đó phải có ý nghĩa cũng như mục đích, nhưng chính xác chúng có nghĩa là gì? Những câu hỏi như: “Tôi có nên tiếp tục công việc hiện tại của mình? Tôi có nên bắt đầu một cái mới? Bắt đầu kinh doanh riêng?”. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể trong cuộc sống, câu trả lời có thể là có. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc không thoải mái, bạn vẫn có thể yêu thích công việc của mình. Mọi thứ đều có thể xảy ra trong thực tế, nó có thể khác hẳn những gì bạn đã từng học trên ghế nhà trường. Mỗi điều chúng ta trải qua đều mang đến cho bản thân những bài học kinh nghiệm quý giá.
Samantha Clarke là một nhà tư vấn hạnh phúc tại London. Cô đã gặp những bệnh nhân thường đối mặt tình huống khó xử này trong nhiều năm và vấn đề này cũng được cô đề cập trong cuốn sách mới của mình mang tên Love It or Leave It: How to Be Happy at Work. Chương trình đào tạo của Clarke được chọn lọc từ kiến thức chuyên môn của Gross National Happiness, nơi cô nghiên cứu các triết lý và thực hành của người Bhutan nhằm thúc đẩy cuộc sống hạnh phúc và tốt hơn.
Đừng nghĩ rằng Clarke đã dễ dàng tìm ra chân lý của cuộc đời mình và trở thành một nhà tư vấn hạnh phúc. Cô chia sẻ những vất vả và đấu tranh trong sự nghiệp mình từ nhà quảng cáo đến mơ ước trở thành một nhà thiết kế giày và nay là công việc tư vấn. Đối với cô hạnh phúc trong công việc là ưu tiên hàng đầu, vì cô phải chiến đấu với bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, căn bệnh có thể tước đoạt sự sống của cô bất cứ lúc nào. Xuyên suốt cuốn sách, cô ấy sử dụng câu chuyện của mình với những trải nghiệm khó khăn trong quá khứ, đó một bước đệm giúp cô tiếp tục với hành trình xây dựng sự nghiệp.
Love It or Leave It có các câu hỏi và bài tập để giúp bạn suy nghĩ chín chắn về mối quan hệ của bản thân với công việc, điều này đặc biệt hữu ích trong thời gian bạn làm việc ở nhà. Dưới đây là một số bài học quan trọng để giúp bạn mở mang tầm nhìn về thực tế, bạn thực sự cần những gì để trở nên hạnh phúc và đạt hiệu quả trong công việc. Cho dù bạn đang làm việc toàn thời gian cho một công ty hay đang quản lý công ty của riêng mình, thì những cách dưới đây đều có thể sử dụng để phát triển trong công việc.
1. Thay đổi cách bạn nghĩ về công việc
Tư duy về tất cả mọi thứ, từ cách bạn phản ứng với các tình huống đến sự cởi mở trong việc học. Bạn dễ bị kẹt trong những chức danh của công việc, nhưng đó không phải là vấn đề. Chúng ta đã bước qua giai đoạn đặt chức danh cho chúng.
Thay vào đó, hãy suy nghĩ về việc tạo ra định hướng cho công việc của bạn, kết hợp các kỹ năng và kinh nghiệm để có cái nhìn bao quát hơn về lợi ích mà bạn có thể mang lại cho công việc của mình. “Tư vấn hạnh phúc – giúp đỡ các cá nhân và công ty luôn hạnh phúc trong công việc” chính là định hướng công việc của Clarke. Công việc của cô bao gồm viết, huấn luyện, truyền cảm hứng trước công chúng, lưu trữ podcast, tư vấn cho các công ty, và nhiều hơn nữa.
2. Hiểu rõ điểm mạnh của bản thân
Clarke cho biết khi được yêu cầu liệt kê những điểm mạnh, hầu hết mọi người đều để trống hoặc không biết là gì. Điểm yếu thì bạn có thể liệt kê hàng tá. (Xin chúc mừng, bạn không đơn độc!). Dưới đây là ba điều cần xem xét khi nghĩ về điểm mạnh của bản thân:
- Điều gì khiến bạn cảm thấy một ngày trôi qua nhanh hơn?
- Nơi nào bạn có thể tự tin và ít căng thẳng?
- Điều gì khiến bạn cảm thấy gắn kết, sáng tạo và hài lòng hơn với công việc của mình?
Hiểu rõ được điểm mạnh có thể giúp bạn đàm phán tốt hơn và áp dụng chúng trong công việc, hoặc sử dụng chúng khi thực hiện một thử thách mới.
3. Không nên giới hạn khả năng
Chúng ta thường có những suy nghĩ sai lầm như: “Tôi không bao giờ phù hợp cho vị trí X vì tôi không có nền tảng Y”. Chỉ vì bạn không có nền tảng căn bản không có nghĩa là kinh nghiệm trước đây của bạn (công việc và nhiều mặt khác) không có giá trị và bạn nên loại bỏ suy nghĩ này ngay lập tức. Bạn có những năng lực được xây dựng từ các điểm mạnh, kỹ năng, niềm đam mê và giá trị cốt lõi của bản thân. Bạn chỉ cần nỗ lực thêm một chút để giúp người khác nhận ra những gì bạn mang lại.
Nếu dành thời gian để phân tích các kỹ năng và thế mạnh của mình với công việc hiện tại và kinh nghiệm trong quá khứ, bạn có thể sẽ khám phá ra những phẩm chất cần thiết cho công việc bạn muốn làm. Trong quá trình này bạn cũng có thể nhận ra những khoảng trống kiến thức cần được bổ sung. Sau đó, bạn cần nỗ lực làm việc để xây dựng các kỹ năng mới và thu hẹp khoảng cách. Phát triển tư duy có nghĩa là bạn sẵn sàng học hỏi và thử những điều mới.
4. Xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ
Cho dù bạn đang làm một nhà chuyên gia hay chỉ mới và một nhân viên tập sự, các mối quan hệ sẽ rất cần thiết cho sự thành công và phát triển trong tương lai. Trong quá trình này, hãy tìm kiếm cho mình một cố vấn cá nhân để hỗ trợ về chuyên môn.
Khi nói đến các mối quan hệ, không phải bạn chỉ nhận, mà là mối quan hệ cho và nhận. Hãy tìm hiểu những người khác trong cộng đồng và xem xét những gì bạn có thể làm để giúp họ phát triển. Tất cả chúng ta đều có sức mạnh để trở thành người có ảnh hưởng, người kết nối và người hỗ trợ cho người khác.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi bạn có những bước phát triển trên hành trình của riêng mình, hãy giao tiếp và chia sẻ thành tích với các mối quan hệ của bạn. Theo Clarke, thì nó giống như một hiệu ứng gợn sóng có thể mở ra những cơ hội mới giúp bạn tỏa sáng, đảm nhận trách nhiệm mới cho bạn và những người xung quanh.
5. Lập kế hoạch trước khi nhảy việc
“Love it or leave it” không có nghĩa là đưa ra quyết định rời bỏ vội vàng. Mọi ý định cần có kế hoạch chi tiết và thận trọng. Clarke không bao giờ khuyên bạn nên đi sâu vào một cái gì mới mà không có những bước chuẩn bị tiếp theo. Điều này cũng bao gồm việc đảm bảo sự ổn định về tài chính để đưa ra quyết định.
Bạn cũng nên lên kế hoạch tìm hiểu mức độ hạnh phúc và thành công nơi làm việc. Đừng đi quá xa mà không có kế hoạch, nó có thể khiến bạn quay trở lại vạch xuất phát. Một kế hoạch để hạnh phúc với công việc là chọn đúng ngành nghề, chuẩn bị hành trang, lấy đà và hành động.
6. Xây dựng portfolio
Nếu một công việc toàn thời gian không dành cho bạn. Bạn có thể tạo ra một công việc ‘chính thức’ cho bản thân bằng cách kết hợp nhiều chuỗi công việc hoặc các dự án riêng lẻ với nhau. Công việc này có thể bao gồm việc bán thời gian, việc tự do hoặc tự làm chủ.
Ngoài thu nhập đa dạng từ nhiều nguồn thu khác nhau, chúng còn mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Điều bạn cần làm là lên danh sách những công việc và tính chất riêng của mỗi loại.
- Công việc ‘nổi bật’: Công việc có thu nhập cao được nhận trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như diễn thuyết;
- Công việc quan trọng: Công việc này cho phép dòng tiền liên tục và thu nhập thường xuyên, có thể dự đoán được. Đây có thể là một khách hàng thường xuyên, hoặc một dự án thường xuyên;
- Cơ hội học tập: Một công việc mà bạn có thể thử nghiệm các sản phẩm hoặc ý tưởng mới, đối tượng mới. Chúng cho phép bạn xây dựng các kỹ năng của mình để đạt được những hiểu biết về đối tượng khách hàng;
- Thu nhập thụ động/bán thụ động: Điều này liên quan đến những công việc trước đó, nó sẽ giúp bạn nhận được thu nhập mà không cần đầu tư hàng ngày như đào tạo trực tuyến hoặc sản phẩm;
- Freebie (là quà tặng miễn phí kèm theo): Freebie là một cách để người khác hiểu về dịch vụ và sản phẩm của bạn, nó giúp bạn truyền bá công việc mà bạn đang làm. Đây có thể là một bản tin, podcast, bản tải xuống hoặc các cuộc gọi tìm kiếm khách hàng.
7. Nắm bắt nghệ thuật tinh tế của sự thoải mái với không thoải mái
Clarke gợi ý bạn nên “kết bạn với sự thay đổi” và đặt ra hai câu hỏi:
- Lần cuối cùng bạn thử thách bản thân để thử nghiệm điều mới là khi nào?
- Lần cuối cùng bạn có một bước đi đầy táo bạo và thúc đẩy bản thân là khi nào?
Cho dù đó là một cuộc trò chuyện khó khăn, một thử nghiệm đầy mới mẻ, hoặc học và thành thạo một kỹ năng mới, tất cả đều không dễ dàng. Tuy những công việc này có thể khiến chúng ta không thoải mái, nhưng kết quả mà chúng ta gặt hái sẽ là phần thưởng tuyệt vời nhất.
Nhưng trước tiên, bạn phải cố gắng với bất kì sự thay đổi. Đây không còn là thời điểm để dạo chơi, bạn cần biết thực sự mình muốn những gì. Thử nghiệm và thực hành là rất cần thiết để xác định xem bạn có yêu thích hay cần thay đổi công việc của mình hay không.
Theo biên tập của iDesign
Nguồn: 99u